Theo một khảo sát của Global Web Index, 61% người dùng TikTok có xu hướng mua hàng từ các thương hiệu mà họ thấy quảng cáo và 63% cho rằng họ nhận biết thương hiệu tốt hơn nhờ các clip ngắn của TikToker – nhà sáng tạo nội dung trên TikTok.
“Để đạt được thành tựu ấy, TikToker phải tìm cách để kể câu chuyện thương hiệu một cách thú vị nhất chỉ trong vài giây ngắn ngủi” là chia sẻ của Hảo Thỏ, một trong những TikToker đầu tiên của Việt Nam. Sau hai năm hoạt động, cô đạt hơn 4,6 triệu lượt theo dõi trên TikTok, và hiện là một trong những đối tác truyền thông của nhiều thương hiệu tại Việt Nam.
Trong số Hồ sơ Influencer #5, hãy cùng Brands Vietnam tìm hiểu câu chuyện sáng tạo trên nền tảng TikTok và hành trình Hảo Thỏ trở thành TikToker được nhiều người biết đến như hiện nay.
* Bạn đến với công việc TikToker như thế nào?
Xuất phát điểm là một bình luận viên bóng đá và streamer game, mình trở thành TikToker trước hết là vì sự tò mò và thích khám phá của bản thân. Năm 2018, ấn tượng với những clip ngắn, thú vị đi kèm hiệu ứng bắt mắt và âm nhạc sôi động của TikTok, mình thử dùng rồi tập tành quay video theo các xu hướng, chứ chưa vạch ra bất kỳ kế hoạch nào.
Cho đến “cột mốc” video đầu tiên đạt 5 triệu lượt xem, mình mới bắt đầu ý thức sự “nổi tiếng” của kênh và tự hỏi tại sao lại có nhiều lượt xem như vậy. Bởi năm 2018 là thời điểm TikTok còn khá mới với người Việt, nên con số 5 triệu lượt xem cho một clip ngắn 60 giây thực sự là một kết quả “đáng suy ngẫm”.
Cũng từ đây, mình nghiêm túc hơn cho công việc này.
* Ý tưởng sáng tạo nội dung đến từ đâu?
Thời lượng video TikTok rất ngắn, gồm các định dạng từ 3-6 giây, 15 giây, và nhiều nhất chỉ 60 giây. Vì vậy, mỗi ý tưởng nội dung sẽ được tuỳ biến cho phù hợp với thời lượng video.
Thường mình sẽ khai thác ý tưởng sáng tạo từ những câu chuyện trong đời sống đơn thuần như nấu ăn, du lịch, trò chuyện cùng bạn bè… Một trong những ý tưởng nội dung trên kênh Hảo Thỏ được nhiều người đón nhận đó là series “Thả thính”, do mình và một bạn TikToker khác cùng thực hiện. Ngoài ra, một số thử thách do tụi mình khởi xướng cũng được cộng đồng yêu thích, và ủng hộ khá nhiều.
Bên cạnh đó, ý tưởng còn đến từ các xu hướng nổi bật có sẵn trên TikTok như biến hình, hát nhép, nhảy theo nhạc… Đặc biệt, thử thách thông qua hashtag (Hashtag Challenge) từ các thương hiệu, tổ chức cũng là kho ý tưởng phong phú.
* Bạn dành bao nhiêu thời gian cho một lần sản xuất nội dung cho kênh TikTok?
Thời gian sản xuất trung bình cho một video TikTok sẽ dao động từ 30-45 phút, tuỳ vào nội dung, gồm khâu lên kịch bản, quay, chỉnh sửa và hoàn thành.
Nếu nội dung dài, phức tạp, nhiều người tham gia thì sẽ cần nhiều thời gian sản xuất, khoảng hơn 1 tiếng cho 1 video. Thường với những nội dung như vậy, mình và những TikToker khác sẽ dành 1 ngày quay riêng biệt, để tạo ra 4-5 video. Trong trường hợp video cần sử dụng nhiều kỹ xảo, hiệu ứng hay để lan toả nội dung trên các nền tảng khác như YouTube, Facebook, thì phải nhờ đến ekip của công ty hỗ trợ thêm.
* Quy trình sản xuất nội dung của một TikToker diễn ra như thế nào?
Quy trình quay được thực hiện hoàn toàn bằng điện thoại, rất tiện vì ứng dụng TikTok trên di động có sẵn hiệu ứng, âm nhạc và cả cách quay cho mỗi ý tưởng. Điểm khó khi sáng tạo trên nền tảng này đó là TikToker cần kể được một câu chuyện thú vị chỉ trong vài giây. Việc này đòi hỏi ý tưởng độc đáo, kỹ năng diễn xuất, sự phối hợp nhịp nhàng giữa biểu cảm khuôn mặt và chuyển động cơ thể.
Thông thường, để tạo ra một video TikTok, trước tiên, mình sẽ lên ý tưởng, sau đó chuẩn bị phục trang, lựa chọn địa điểm quay phù hợp rồi mới xác định thời gian quay. Quá trình quay video sẽ chiếm nhiều thời gian nhất, vì nhiều khi phải quay đi quay lại nhiều lần mới được sản phẩm ưng ý. Sau đó, mình sẽ chỉnh sửa, bổ sung thêm hiệu ứng hoặc nhạc để hoàn thành sản phẩm. Và cuối cùng là bước đăng tải lên TikTok, rồi chia sẻ qua các nền tảng khác như Facebook hay Instagram để mọi người cùng xem.
* Vậy làm thế nào để video của bạn nổi bật trên trang chủ của người dùng TikTok?
Kết quả này sẽ phụ thuộc vào lượt tương tác của video trong 4-5 tiếng đầu đăng tải. Nếu video nhận được nhiều tương tác như thả tim, bình luận, thì sẽ được thuật toán của TikTok đề xuất và hiện lên trang chủ của người dùng một cách tự nhiên.
Điểm hay của nền tảng này đó là cách đề xuất nội dung dựa trên hành vi và chủ đề mà người dùng quan tâm. Những kênh có nội dung hay và nhiều tương tác sẽ được đẩy lên trang chủ, tạo cơ hội cho mọi người cùng khám phá.
* Kênh của bạn hiện đang phát triển như thế nào? Hãy chia sẻ với bạn đọc về những cột mốc đáng nhớ của kênh.
Hiện tại, kênh Hảo Thỏ có 4,6 triệu lượt theo dõi trên kênh TikTok, với tổng số 58,2 triệu lượt thích sau hơn 2 năm hoạt động.
Có thể nói, cột mốc đầu tiên của kênh là video đạt 5 triệu lượt xem chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải. Video này có nội dung khá đơn giản, thử thách đặt ra là yêu cầu TikToker phối hợp chuyển động cơ thể theo đúng nhịp điệu của bài nhạc theo cách riêng. Tính đến nay, video này vẫn được nhiều bạn ủng hộ và số lượt xem vẫn tiếp tục tăng.
Cột mốc ấn tượng thứ hai là khi kênh Hảo Thỏ cán mốc 4 triệu lượt theo dõi vào tháng 6/2020 vừa qua. Sau 6 tháng đầu năm, kênh tăng thêm 1 triệu lượt theo dõi. Kênh có được thành tích này là bởi trong đại dịch COVID-19, nhu cầu xem nội dung giải trí trên TikTok tăng cao, đặc biệt là giới trẻ. Và kênh Hảo Thỏ cũng tạo ra rất nhiều nội dung thú vị để đáp ứng người xem, như làm sao ở nhà trong dịch mà không buồn, cách rửa tay đúng cách, hay tham gia thử thách nhảy “Ghen Cô Vy” nổi tiếng trên toàn cầu vừa qua.
Về tốc độ phát triển, trung bình kênh Hảo Thỏ tăng từ 9.000-10.000 lượt theo dõi/ngày. Thời gian cao điểm, lượt theo dõi có khi tăng đến 50.000/ngày nếu có video triệu view hay các xu hướng nổi bật trên TikTok.
* Đối tượng người xem trên kênh TikTok của bạn là ai? Và theo bạn, tại sao họ lại yêu thích kênh Hảo Thỏ?
Trên kênh Hảo Thỏ, 77% số người xem đến từ Việt Nam, trong đó có 70% người theo dõi ở độ tuổi thiếu niên (từ 12-17 tuổi), ngoài ra còn có nhóm từ 18-26 tuổi (Gen Z), chiếm 20%. Hiện tại, tỷ lệ nữ giới chiếm đa số trên kênh, ở mức 60%.
Hầu hết họ đều có chung nhu cầu giải trí, thích xem nội dung mang tính sáng tạo và có thể “làm theo” được. Đặc biệt nhóm này cũng rất dễ ấn tượng với những content creator có cá tính riêng biệt, và biết cách thể hiện bản thân.
Và mình nghĩ, kênh Hảo Thỏ đang đáp ứng tốt hai nhu cầu trên của người xem, nên may mắn được rất đông bạn trẻ yêu mến.
Cụ thể, trong ấn tượng của họ, Hảo Thỏ là một cô gái có chất riêng, thể hiện từ ngoại hình, phong cách ăn mặc, cho đến nội dung và diễn xuất. Nội dung trên kênh nhất quán về tính giải trí, vui nhộn, đặc biệt có phần nhìn đẹp mắt, âm nhạc sôi động và bắt tai nên dễ gây ấn tượng với người xem hơn.
* Với số lượng người theo dõi chủ yếu là giới trẻ như vậy, bạn có nguyên tắc nào để đảm bảo không gian nội dung tích cực cho kênh không?
Nguyên tắc mình đặt ra cho kênh đó là chỉ chia sẻ những khoảnh khắc, câu chuyện vui nhộn, tích cực trong cuộc sống hàng ngày cho mọi người cùng xem. Bên cạnh đó là hạn chế nội dung tiêu cực, hay đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của người Việt.
Đồng thời, mình cũng rất tuân thủ các nguyên tắc cộng đồng của TikTok. Ví dụ TikToker không được chia sẻ các nội dung hay hình ảnh xấu như hút thuốc, uống rượu bia, tàn phá môi trường, bạo lực, kỳ thị, xuyên tạc chính trị, phát ngôn gây sốc, kém lành mạnh...
Nhờ đó, kênh Hảo Thỏ vẫn đảm bảo được tính lành mạnh cho cộng đồng.
* Bạn thường hợp tác với nhãn hàng nào? Và mục tiêu khi hợp tác với bạn là gì?
Với đặc trưng của nhóm người theo dõi hiện có, mình thường hợp tác với những nhãn hàng ở các lĩnh vực như trò chơi điện tử, nước giải khát, điện thoại di động… Có thể kể đến một số thương hiệu quen thuộc như Free Fire, PUBG Mobile, Pepsi, Acecook, 7UP, Samsung, Oppo, Nokia…
Mục tiêu thường là tăng nhận biết thương hiệu (brand awareness), giới thiệu tính năng, sản phẩm mới, tăng engagement với thương hiệu trong các chiến dịch. Điển hình như với trò chơi điện tử, mình sẽ trải nghiệm game, tính năng mới hoặc lôi kéo mọi người cùng tham gia vào sự kiện.
* Hãy kể về lần đầu tiên hợp tác với nhãn hàng với vai trò là TikToker?
Nhãn hàng đầu tiên mình hợp tác đó là Redmi, trong chiến dịch quảng bá điện thoại Redmi Note 7, với brief là “Hảo Thỏ hãy thực hiện thử thách Quẩy tung với Redmi Note 7 – #UnleashYourPower và kêu gọi cộng đồng TikTok cùng tham gia”.
Thử thách này yêu cầu TikToker tự sáng tạo các dáng chụp hình trên nền nhạc sôi động của thương hiệu, và phải thể hiện được yếu tố “quẫy”.
Lần đầu tiên hợp tác với nhãn hàng nên còn chưa hiểu mục tiêu chiến dịch, thông điệp truyền tải, kịch bản cũng như cách quay, nên mình khá vất vả để tạo ra được một video làm mình hài lòng và đáp ứng đúng yêu cầu khách hàng. Sau đó, sự hỗ trợ của công ty quản lý và cộng sự, dự án cũng hoàn thành và nhận được phản hồi tốt của cộng đồng, đồng thời đạt được các KPI của nhãn hàng đề ra.
* Bạn cân bằng giữa nội dung thông thường và nội dung thương mại như thế nào?
Thực tế, không có ranh giới rõ giữa hai loại nội dung này trên kênh. Vì chúng đều phải trải qua quy trình sản xuất, và đầu tư giống nhau.
May mắn là phản hồi của người xem về các nội dung thương mại rất tốt, bởi mình luôn tìm nhiều cách mới để khéo léo lồng ghép thông điệp của thương hiệu, tính năng của sản phẩm mà vẫn giữ được chất sáng tạo riêng của kênh. Thậm chí mình rất thích tạo nội dung cho một số thương hiệu nước giải khát, vì hiệu ứng (brand effect) hay thử thách (Hashtag Challenge) của họ rất thú vị, mới mẻ và sôi động, phù hợp với tính cách của mình.
Và để đảm bảo người dùng luôn có nội dung mới để xem, mình đăng video mỗi ngày, vào khung giờ cố định là 11 giờ trưa, bất kể là nội dung thông thường hay nội dung thương mại.
* Vậy điểm hài lòng và chưa hài lòng khi làm việc với nhãn hàng là gì?
Nhìn chung, mình cảm thấy hài lòng khi làm việc với nhãn hàng. Hầu hết họ đều tôn trọng phong cách và khả năng sáng tạo của kênh, không áp đặt brief hay KPI quá khắt khe. Nhưng cũng có một số nhãn hàng chưa nhất quán và có tiêu chí rõ ràng trong quá trình duyệt thành phẩm, nên đôi khi phải quay đi quay lại nhiều lần.
Trong trường hợp kịch bản thương mại quá xa với cá tính, phong cách của kênh, thì ngay từ đầu kênh sẽ từ chối, vì nội dung đó sẽ không đem lại giá trị cho nhãn hàng, người sáng tạo nội dung và cả người xem. Do đó, phù hợp là yếu tố hàng đầu khi hai bên hợp tác.
Để hai bên dễ làm việc, quy trình làm việc với mình gồm các khâu như liên hệ, gửi brief, thực thi và nghiệm thu. Thông thường, nhiều thương hiệu muốn TikToker tạo nội dung theo định hướng có sẵn, nhưng cũng có một số đơn vị lại khuyến khích TikToker sáng tạo theo phong cách riêng, làm sao diễn đạt rõ nét thông điệp chiến dịch. Với những lần hợp tác như vậy, mình sẽ lên kịch bản, đề xuất ý tưởng, nếu nhãn hàng đồng ý thì mới tiến hành sản xuất nội dung.
* Dự định sắp tới của bạn là gì?
Định hướng của mình là trở thành nhà sáng tạo nội dung về lĩnh vực giải trí trên mạng xã hội, với những nội dung tích cực vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa cung cấp kiến thức bổ ích cho người xem.
Với kênh TikTok Hảo Thỏ, hướng đi cho kênh vẫn là các clip hài hước, tập trung chia sẻ, lan toả các thông điệp ý nghĩa, tích cực như bảo vệ môi trường, chăm sóc bản thân, hay tạo ra các thử thách cho cộng đồng tham gia.
Ngoài TikTok, YouTube cũng sẽ là nền tảng sáng tạo tiếp theo mình muốn chinh phục với chủ đề liên quan đến cuộc sống thường ngày như review món ăn, du lịch, cách giải quyết vấn đề, chăm sóc da, làm đẹp… Còn Facebook vẫn là kênh truyền thông chính.
* Bạn có thể chia sẻ một số ưu và khuyết điểm của nội dung trên TikTok?
Theo mình, đầu tiên, hình thức cho đến nội dung của các video trên TikTok giải quyết được 3 nhu cầu của người dùng, chủ yếu ở độ tuổi Gen Z (16-25 tuổi) hiện nay đó là thư giãn, “giết” thời gian và hoà nhập xã hội.
Với thư giãn, người dùng muốn được giải toả căng thẳng sau một ngày làm việc căng những nội dung đơn giản, hài hước và không quá dài. Tiếp theo là giết thời gian, mong muốn của họ là khoả lấp thời gian nhàn rỗi (lúc xếp hàng, đợi gọi món, ở nhà ngày cuối tuần) hay giải lao giữa giờ làm việc. Thì các nội dung video 6 giây, 15 giây và 60 giây trên TikTok đáp ứng được hai nhu cầu này. Cuối cùng là hoà nhập xã hội, người dùng mong muốn trở thành một phần trong cộng đồng, thường họ sẽ thích tham gia vào các cuộc thảo luận hay một sự kiện nào đó, ví dụ như thử thách thông qua hashtag trên TikTok là một cách làm thoả mãn họ.
Ưu điểm thứ hai của TikTok nằm ở sự tiện lợi, dễ sử dụng, và phù hợp với xu hướng “di động”. Chỉ cần có một chiếc smartphone, cùng vài thao tác đơn giản như chạm, vuốt, kéo trên màn hình thì người dùng đã có thể nghiệm được kho nội dung trên nền tảng này.
Tuy nhiên, thời lượng video ngắn cũng chính là khuyết điểm của nền tảng này. Nếu video quá ngắn sẽ khó diễn tả hết ý tưởng của câu chuyện, gây cảm giác hụt hẫng và không thoả mãn cho người xem.
* Cuối cùng, theo bạn, để thành công, một TikToker hay nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội sẽ cần yếu tố gì?
Thứ nhất, định hình phong cách riêng biệt. Điều này đến từ việc hiểu rõ thế mạnh bản thân, biết mình là ai, thu hút người khác ở điểm gì. Có thể là ngoại hình, phong cách thời trang, sự dí dỏm trong cách ăn nói, hay nội dung khác lạ…
Thứ hai, sự chăm chỉ. Công việc này thực tế không quá hào nhoáng như nhiều người vẫn nghĩ, mà đằng sau đó là sự nỗ lực sáng tạo từng phút, từng giây thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội dung ngày càng lớn của người xem.
Thứ ba, sự tự chủ, thể hiện ở năng lực tự đảm nhiệm mọi việc từ nắm bắt xu hướng, lên ý tưởng, diễn xuất, quay dựng cho đến chỉnh sửa. Việc này sẽ giúp bạn luôn ở trong tư thế độc lập, tránh phụ thuộc vào người khác, đặc biệt tràn đầy năng lượng khi đối mặt với điều mới.
Thứ tư, chiến lược nội dung cũng rất quan trọng. Người sáng tạo nội dung cần một kế hoạch nội dung từ ngắn hạn đến dài hạn để chủ động sắp xếp thời gian làm việc, đảm bảo chất lượng nội dung trên nhiều kênh khác nhau.
Cuối cùng, học cách chấp nhận những phản ứng trái chiều từ người xem. Đôi khi, mạng xã hội dễ khiến con người bị ảnh hưởng bởi những phản hồi tích cực, lẫn tiêu cực. Thay vì tập trung vào chúng, hãy cố gắng tạo ra giá trị cho nội dung của mình. Bởi cốt lõi của việc sản xuất nội dung đó là, nếu nội dung hay và phù hợp, người xem sẽ ở lại, còn nếu không, dĩ nhiên họ sẽ rời đi nhanh chóng.
* Cảm ơn bạn về những chia sẻ trên!
Nguồn: BrandsVietnam