Nhìn lại quãng thời gian 15 năm gắn bó, làm nên tên tuổi và trở thành tượng đài, Quân Bi (tên thật là Lê Đỗ Hoàng Quân) khẳng định trình độ của các game thủ PES Việt Nam là 10 điểm thì Thái Lan chỉ 5-6 điểm. Tuy nhiên, khi nói về đối thủ ở Đông Nam Á, Quân Bi cho rằng PES Việt Nam ngại Indonesia nhiều hơn.
- Xin chào Quân Bi, anh có thể tự giới thiệu về bản thân mình cho các độc giả của Thethao.vn?
Xin chào tất cả các bạn độc giả của Thethao.vn. Mình là Quân Bi, game thủ PES của Box Gaming.
- Quân Bi bắt đầu thi đấu PES từ khi nào? Vì sao anh lại chọn PES để theo đuổi sự nghiệp thể thao điện tử?
Mình bắt đầu chơi PES từ năm 2006. Nhưng cũng có thể là từ những năm 2000, vì ở gần nhà mình có rất nhiều hàng PES. Mình cũng là một trong những người đầu tiên chơi PES ở trong khu vực gần nhà. Rất hay là ở thời điểm đó mình và bố đều đam mê bóng đá. Bố mình cũng là người đưa mình đến với bộ môn PES này.
Sau này, khi có thời gian tiếp cận được PES nhiều hơn, sắp xếp được lịch học và công việc, mình cũng đã tham gia một số giải đấu. Từ đó, mình biết rằng ở Việt Nam có một cộng đồng PES chuyên nghiệp và mình có thể tham gia thi đấu như một game thủ chuyên nghiệp.
- Cộng đồng từ trước đến nay vẫn coi Quân Bi là tượng đài của PES Việt Nam. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
Việc được gọi là “tượng đài” thì mình thấy nói hơi quá. Bản thân mình chỉ mong muốn mọi người đam mê PES nhìn nhận mình như một game thủ đời đầu và có sự thành công nhất định trong bộ môn này. Còn để nói là tượng đài thì mình thấy đó là đánh giá hơi cao so với bản thân mình.
- Quân Bi cũng được coi là người tiên phong cho PES Việt Nam đổ bộ trên đất Thái Lan. Anh có thể chia sẻ gì về điều này?
Mình nghĩ đó là một sự may mắn. Mình biết đến PES Thái Lan khá sớm, từ giải Đông Nam Á năm 2016. Sau đó, mình cũng có mối quan hệ tốt với những game thủ hàng đầu của họ. Năm 2018, mình có tham gia giải đấu của các game thủ Thái Lan và giành luôn chức vô địch. Sau đó, có một bên đã bắt đầu liên lạc với mình để về thi đấu cho các đội PES của Thái Lan. Khi đó, họ mới chỉ ấp ủ dự định tổ chức một giải PES chuyên nghiệp của Thái Lan. Mình cũng không nghĩ quy mô của giải sau đó nó lại lớn như thế.
Ban đầu, nhiệm vụ của mình được giao là làm huấn luyện viên chứ không phải game thủ. Sau đó, mình mới đăng ký làm game thủ.
- Và Quân Bi cũng đã ký “bản hợp đồng tiền tỷ” với MSC Chonburi?
Về câu chuyện ký hợp đồng, mình thấy đó là câu chuyện “drama” khá dài. Vì ban đầu mình nhận được thông tin sẽ sang Thái Lan thi đấu với mức lương 7 triệu đồng/tháng thôi. Lúc đó, mình nghĩ là “Ok, mức lương 7 triệu này ở độ tuổi rất trẻ sẽ là một thử thách cho bản thân mình”.
Mình là một đứa khá mạnh bạo trong việc tìm môi trường làm việc mới. Ngày đó, mình cũng chỉ là nhân viên văn phòng thôi. Khi biết là được sang Thái Lan thi đấu thì mình cũng chấp nhận với mức lương 7 triệu.
Nhưng Buriram, đội bóng số một Thái Lan, cũng gửi một lời đề nghị khác cho mình. Họ đưa ra cái giá là 1.200 USD/tháng, tức gấp 3-4 lần so với con số 7 triệu đồng. Lúc đấy mình rất phân vân. Bởi ở MSC Chonburi có những người bạn mà mình rất thân từ năm 2016, còn tại Buriram là những người mới.
Mình không chắc rằng bản thân mình có muốn đến Buriram hay không. Nhưng sau đó thì MSC Chonburi lại trả một cái giá khác cao hơn là 1.300 USD/tháng. Mình quyết định đồng ý, phần lương đã xong rồi và bàn đến các vấn đề sau như là tiền giải thưởng và điều kiện sinh sống bên đó. Bây giờ, mình nghĩ lại việc chọn Chonburi là chính xác.
- Làm thế nào mà MSC Chonburi liên hệ được với Quân Bi?
Chonburi có một đội thể thao điện tử khác là MS Cerberus. Họ là một đội làm việc với Chonburi để có thể hợp tác về Esports. Mình thì chơi rất thân với các game thủ Thái Lan bên MS Cerberus. Họ cũng khá tin tưởng mình để đưa ra lời mời về thi đấu vào năm 2018.
- Hai bên mất bao lâu để ký hợp đồng?
Sau khi chuyển từ vị trí HLV về game thủ, rồi có sự cạnh tranh từ Buriram với Chonburi thì mất khoảng 2 tháng. Việc bàn về mức lương mà mình mong muốn thì cũng mất khoảng 3 ngày thôi. MSC Chonburi khi đó tỏ ra khá sốt ruột. Thứ 5 chốt hợp đồng thì thứ 6 họ mua vé cho mình bay sang Thái Lan luôn.
- Quân Bi có thể chia sẻ về chuyến đi tới Thái Lan ngày đó được chứ?
Mình đi cùng quản lý của Box Studio hiện tại. Cảm giác lúc ấy rất lạ. Từ bé đến lớn, mình chưa bao giờ xác định sẽ đi nước ngoài hay làm việc ở nước ngoài. Vào đêm trước ngày đi, mình bị mất ngủ. Mình nghĩ trong đầu: “À ok, tương lai của mình bây giờ sang một trang khác rồi”. Cơ hội tiếp xúc với một nền văn hóa khác là một trong những điều may mắn trong tuổi trẻ của mình.
- Ấn tượng đầu tiên của Quân Bi về MSC Chonburi là gì?
Mình nghĩ là chuyên nghiệp. Lúc đấy thì cộng đồng PES Việt Nam chưa có một đội nào chuyên nghiệp cả. Mình nói từ chuyên nghiệp ở đây có nghĩa là vấn đề về trang thiết bị, về lương, tiền thưởng hay quản lý đội cũng chưa có. Tất cả chỉ giống một đội đá phủi thôi.
Khi sang bên Thái Lan thì họ có đầy đủ cơ sở vật chất, có phòng tập, có nơi ở, có nhiều đội ngũ: chụp ảnh, quay phim. HLV của họ cũng rất chuyên nghiệp. Ngày đầu tiên bước vào phòng, mình cảm thấy bị ngợp.
- Màn ra mắt màu áo MSC Chonburi ra sao?
Khi biết được có thể ra mắt ở sân vận động, mình nghĩ trong đầu: “Tại sao họ có thể làm như vậy được nhỉ?”. Vì mình không nghĩ một game thủ PES được đứng ở sân vận động như một cầu thủ chuyên nghiệp như thế.
Khi chuẩn bị được đưa xuống sân, đứng ở đường hầm, tim mình đập rất nhanh. Ngay cả khi đã đá vài trận chung kết, mình cũng không cảm thấy căng thẳng như thế. Lúc được giới thiệu qua loa phát thanh là Quân Bi tới từ Việt Nam thì mình cảm thấy rất tự hào.
Khán giả lúc đó cũng phải kín sân. Vì đấy là buổi lễ đi cùng một trận đấu bóng đá của Chonburi trên sân nhà. Chưa kể trận trước đó, Chonburi cũng giành chiến thắng nữa. Cổ động viên của họ rất nhiệt tình. Chonburi là đội bóng có lượng CĐV khá đông đảo. Họ cuồng nhiệt với đội bóng.
Sau này, ở những trận đấu của mình diễn ra tại Bangkok, nơi cách xa Chonburi khoảng 100km và đi xe mất hơn 1 tiếng, họ vẫn có thể đi cùng. Trong những CĐV đó, không chỉ có những người trẻ mà còn cả người già. Có những cụ già khoảng tầm 80-90 tuổi vẫn đi xe bus cùng các CĐV khác để cổ vũ cho mình. Và mình rất trân trọng tình cảm của họ.
- Cuộc sống của Quân Bi ở Thái Lan trong vòng 1 năm rưỡi thế nào?
Mình đá vào ngày Chủ nhật thì được đặt vé bay sang Thái Lan vào thứ 6. Cuộc sống bên Thái Lan không khác nhiều so với Việt Nam lắm. Hai quốc gia ở gần nhau mà tuần nào mình cũng đi. Lịch sinh hoạt của mình là 3 ngày ở Việt Nam và 4 ngày ở Thái Lan. Mình cứ đi như thế rồi dần dần thành quen.
Những ngày đầu sang Thái Lan mình cảm thấy lạ, đồ ăn không quen, ngủ không ngon giấc vì lạ nhà. Khi đội bắt đầu sinh hoạt cùng nhau như một gia đình thực thụ thì mình nghĩ việc ở bên Thái Lan lâu cũng không ảnh hưởng gì.
- Quân Bi đã gặp những khó khăn gì trong suốt quãng thời gian thi đấu ở Thái Lan?
Đầu tiên là bất đồng ngôn ngữ. Dù cùng là đội PES nhưng game thủ Việt Nam giao tiếp khá ít với game thủ Thái Lan. Không có quá nhiều game thủ Thái Lan biết tiếng Anh. Bản thân bọn mình hồi đấy không tìm hiểu tiếng Thái Lan quá nhiều. Do đó, bọn mình không thể nào nói chuyện với họ bằng tiếng Thái Lan được.
Vấn đề tiếp theo là đồ ăn. Mình chỉ ăn quen một vài món, ví dụ như cơm gà. Nhưng mình không thể ngày nào cũng ăn cơm gà.
- Áp lực khi thi đấu ở Thái Lan có lớn không?
Tư duy chơi bóng của Việt Nam khác hẳn Thái Lan. Khác từ lối triển khai bóng đến suy nghĩ về việc trận đấu diễn ra thế nào. Có những trận đấu mà mình đang để thua 1-2 bàn, HLV bên Thái Lan không cho phép dâng đội hình quá cao vì nghĩ rằng có thể thua tới 3-4 bàn.
Nhưng mình nghĩ việc thua 1-2 bàn hay 3-4 bàn là quá bình thường. Trong một lần không nghe lời HLV, mình dâng đội hình lên để tìm kiếm bàn gỡ rồi để thua 1-4. Sau đó, khi về nhà thì mình phải dự cuộc họp khá căng thẳng, bị HLV kỷ luật và giám đốc CLB cũng nói về việc tại sao không nghe, rằng khi bị dẫn 0-2 thì xác định là thua luôn. Đó là quan điểm khác biệt so với người Việt Nam.
- Thành tích tốt nhất của Quân Bi khi thi đấu ở Thái Lan là gì?
Mùa đầu tiên mình đá với Sơn Ka, một trong những game thủ Việt Nam ở Thái Lan. Mùa giải đó bọn mình đá khá thăng hoa. Bắt đầu từ mùa 2, nội bộ lục đục đi kèm với những vấn đề khác nữa nên bọn mình đi xuống nhiều và chỉ được hạng 5 thôi.
- Thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của Quân Bi tính đến thời điểm này ra sao?
Mình có cái để tự hào. Mình vô địch Việt Nam 2 lần, vô địch Thái Lan 2 lần, ở đây là giải solo chứ không phải Thai League. Và mình cũng vô địch Hàn Quốc 3 lần nữa. Vậy là mình vô địch ở 3 quốc gia khác nhau rồi.
- Quân Bi có nghĩ thành công của mình đến sớm không?
Mình nghĩ là đến sớm. Mình vô địch Việt Nam vào năm 2013, thời điểm mà mình học lớp 12 và bản thân có những suy nghĩ khá bốc đồng. Kiểu như mình là vô địch sớm, được mọi người biết đến nhưng chưa thực sự trưởng thành.
- Số tiền đầu tiên mà Quân Bi kiếm được từ việc thi đấu PES là bao nhiêu?
Số tiền đầu tiên là 13 triệu rưỡi, từ giải đấu của VTC. Đó là số tiền khá lớn khi mình đang học lớp 12.
- Mức thu nhập của anh khi khoác áo MSC Chonburi ra sao? Con số đó so với ở Việt Nam thời điểm ấy thế nào?
Tổng thu nhập của mình ở Chonburi có những tháng lên tới 80 triệu. Như mình đã nói, mức lương đó ở Việt Nam là không tưởng. Vì ở Việt Nam không có nhiều đơn vị có thể trả lương cho game thủ PES như GameTV trước đây hay Box Gaming bây giờ.
- Ở Việt Nam, có vẻ như các đội PES tập trung khi có giải và thi đấu xong thì đi về. Còn ở Thái Lan thì game thủ tập luyện và thi đấu quanh năm. Một ngày tập luyện ở Thái Lan của Quân Bi thế nào?
Mình thấy sự khác biệt của PES Việt Nam và Thái Lan khá lớn. Thứ nhất là về giải đấu: ở Việt Nam không có sự đều đặn còn ở Thái Lan là hàng tuần, hàng tháng. Ở Việt Nam, có giải thì trong tuần, 2-3 tháng một lần, có khi phải đợi nửa năm. Ở Việt Nam, các game thủ không có sự tập trung nhất định. Khi nào có giải thì họ tập trung. Kể cả tập trung thì cũng trong giai đoạn rất ngắn. Cuối tuần đá giải thì đầu tuần tập trung. Còn sau đó thì đội lại tan rã, mỗi người làm một công việc khác nhau.
Ở Thái Lan có sự khắt khe hơn. Họ yêu cầu sự tập luyện tương đối căng trước giải đấu khoảng 2 tháng. Chế độ sinh hoạt của đội cũng nghiêm ngặt, nhất là về chế độ ngủ và việc uống rượu bia.
Với chế độ sinh hoạt ở Việt Nam, game thủ thường có thói quen uống bia trước khi đá giải. Chủ nhật đá giải thì tối thứ 7 có thể nhậu tới 2-3h sáng nhưng vẫn có thể đảm bảo việc vô địch hay thi đấu.
Ở Thái Lan, họ cấm uống rượu bia trước trận khoảng 48 giờ. Chủ nhật đá giải thì thứ 6 tuyệt đối không được uống rượu bia và phải ngủ rất sớm.
Mình cũng từng chứng kiến nhiều game thủ của cả Việt Nam và Thái Lan sống chung gaminghouse bị phạt vì ngủ muộn. Chỉ vài trường hợp bất khả kháng mới được ngủ muộn thôi.
- Quân Bi có thể nói gì về sự khác biệt giữa PES Việt Nam và Thái Lan?
Bên Thái Lan tập trung vào chuyên môn nhiều hơn. Áp lực của họ kinh khủng lắm. Chỉ cần hòa hoặc thua thôi là sẽ có những buổi họp rất căng thẳng. Bầu không khí ở gaminghouse cũng nặng nề. Họ đặt nặng vấn đề đó và không có sự kiên trì như ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, một game thủ sẽ có thời gian được chờ đợi, được nuôi dưỡng, khoảng 6 tháng đến 1 năm. Còn ở Thái Lan chỉ vỏn vẹn 2-3 tuần thôi.
Đánh giá ở Đông Nam Á nói chung thì PES Việt Nam hơn hẳn PES Thái Lan. Nếu như Việt Nam là 10 điểm thì Thái Lan chỉ 5-6 điểm thôi. Về trình độ thì họ không thể cạnh tranh với game thủ Việt Nam.
Với bản chất của môn PES, để phát triển cộng đồng tốt thì cần có môi trường offline tốt, có hàng quán nhiều, có nhiều người chơi.Ở Thái Lan thì họ chỉ chơi offline thôi và không có nhiều hàng quán. Ở Việt Nam thì việc ra hàng PES chơi là quá đơn giản. Việt Nam cũng giống Indonesia khi có nhiều hàng PES, tạo ra cộng đồng khá cạnh tranh.
Nếu để nói về đối thủ ở Đông Nam Á thì thật sự PES Việt Nam ngại Indonesia nhiều hơn.
- Góc nhìn của game thủ PES Thái Lan về game thủ PES Việt Nam thế nào?
Mình nghĩ là họ thấy game thủ của mình “hơi bừa” (cười). Từ “bừa” ở đây là thời gian sinh hoạt, chế độ luyện tập và ăn uống. Ở Chonburi, một vài game thủ Thái Lan có tư duy về việc giữ gìn sức khỏe, không rượu bia, có thể sáng dậy đi chạy và chiều về tập gym. Còn game thủ Việt Nam thì đa phần dành thời gian cho việc nghỉ ngơi. Bởi bọn mình phải di chuyển nhiều và cảm thấy mệt. Bọn mình cũng ở phòng nhiều hơn là đi tập như họ.
- Vậy các game thủ Thái Lan cũng rất khao khát đánh bại game thủ Việt Nam như các môn thể thao truyền thống?
Đấy là câu chuyện quá bình thường trong thể thao. Quốc gia nào cũng muốn giành chiến thắng, được tôn vinh và giành chức vô địch. Ở một CLB thì ngoài mục tiêu chung, bản thân họ cũng có tham vọng được vị trí đá chính.
Một đội hình của bên Thái Lan gồm 5 game thủ đá chính. 2 solo là game thủ Việt Nam, 1 tổ đá co-op 3vs3 nối tay thì sẽ là game thủ Thái Lan.
Có những thời điểm các game thủ Thái Lan rất muốn tham gia solo. Vì bản chất đá solo sẽ ở mức lương khác. Do đó, họ rất muốn được đá solo để có nhiều danh vọng hơn.
- Sự canh tranh giữa game thủ Việt Nam và Thái Lan trong đội thế nào?
Việc cạnh tranh giữa 2 bên diễn ra trong các buổi tập, có những hôm tập chiến thuật và chia quân số ra để đá giải nội bộ. Game thủ nào có thành tích tốt ở giải nội bộ thì được chọn tham gia thi đấu ở tuần tiếp theo.
Game thủ Việt Nam không nghe HLV của Thái Lan. Trong tư duy của game thủ Việt Nam từ bé đến giờ là “Ông phải thắng tôi, đá hơn tôi đã thì tôi mới nghe ông được”. Nhưng game thủ Thái Lan có trình độ thấp hơn và việc nhìn nhận trận đấu của họ cũng khác bọn mình. Các game thủ Thái Lan rất nghe lời HLV. Nhiều khi HLV nói là họ sẽ làm còn các game thủ Việt Nam thì không. Mình nghĩ nó sẽ tạo ra sự khó khăn cho các game thủ Việt Nam ở MSC Chonburi.
- Có khi nào phía Thái Lan tạo ra sự cạnh tranh không công bằng?
Thật ra là có. Mình nghĩ chuyện đấy là bình thường. Chủ là người Thái Lan, game thủ là người Thái Lan và chơi ở đất nước của họ mà. Có những lúc game thủ Thái Lan nhìn cách game thủ Việt Nam đá thua, họ sẽ nghĩ mình chưa chắc đã thua như thế.
Khi chủ là người Thái Lan thì họ lắng nghe game thủ Thái Lan hơn là Việt Nam. Khi game thủ Thái Lan nói “Hãy tin tôi đi, trận này tôi thắng được” thì chắc chắn chủ người Thái Lan sẽ có tác động đến game thủ Việt Nam. Rồi sẽ “Tuần này mày không được đá đâu, hãy để cơ hội cho game thủ người Thái Lan đi”.
Ở Chonburi cũng đã xảy ra sự việc như thế rồi. Chính điều đó đã ảnh hưởng tới thành tích của cả mùa 2. Sau khi để thua ở vòng thứ 3, đến vòng thứ 4 và 5, họ đẩy Quang Barca vào vị trí đá co-op và cho tuyển thủ Thái Lan lên đá solo.
Ở phần co-op, 2 game thủ Thái Lan không biết nói tiếng Anh và Quang Barca cũng vậy. Đá co-op thì không thể nào không giao tiếp được. Game thủ Thái Lan đá solo kia thì có trình độ nhưng không thể bằng game thủ Việt Nam. Bọn mình mất một chuỗi điểm từ khoảnh khắc ấy và tạo ra một mùa giải gần như sụp đổ từ lượt đi.
Hồi ở Thái Lan thì mình chưa đá co-op. Đến khi về Việt Nam, Box Gaming tham gia Thai League và có đội co-op thì mình cũng được trải nghiệm dần dần. Đá co-op khó hơn rất nhiều so với 1vs1. Tư duy và cách chơi cũng khác hẳn. Kiểu như đó là 2 trò chơi khác nhau.
- Các giải đấu ở Thái Lan có bán vé không? Nguồn thu của họ thế nào?
Theo mình được hiểu thì ở Thái Lan không có nguồn thu từ bán vé. Tất cả nguồn thu của giải đấu PES ở Thái Lan là từ nhà tài trợ.
Lối chơi của mỗi đội bóng đã được mặc định trong PES rồi và sẽ không thể thay đổi được. Game thủ có cá tính thì sẽ có lối chơi riêng. Về tổng quan lối chơi sẽ bao gồm lối chơi của CLB ingame và lối chơi của gameplay nên sẽ không thay đổi quá nhiều từ việc tư duy của bên thứ 3 ở đây là HLV.
Họ cũng đưa ra các bài tập nhưng là về tâm lý nhiều hơn. HLV ở Chonburi hỗ trợ về mặt tâm lý. Có những buổi học về cách kìm chế cảm xúc của mình trong một trận đấu là như thế nào.
- Chuyển nhượng của môn PES ở Thái Lan ra sao?
Đa phần các tuyển thủ Việt Nam sẽ ký hợp đồng ngắn hạn. Trước đây, lứa mùa 1 thì ký 1-2 năm. Sau đó rút dần về 3 tháng và 6 tháng. Bản thân các game thủ muốn chuyển sang các đội khác thì thiên về tình cảm nhiều hơn so với mức phí.
Còn với các game thủ Thái Lan thì mình thấy có trường hợp có phí chuyển nhượng nhưng con số không quá nhiều. Bản thân các giải đấu PES cũng không liên kết chặt chẽ với các cơ quan về bóng đá để có những quy định nhất định về việc chuyển nhượng. Mình nghĩ việc chuyển nhượng như thế cũng hay, khi tạo ra sự chuyên nghiệp trong khuôn khổ một giải đấu.
- Dù kiếm được 80 triệu/tháng nhưng sao Quân Bi lại rời MSC Chonburi?
Mức lương 80 triệu là ở những tháng đỉnh điểm. Có những tháng thu nhập của mình ít hơn con số 80 triệu đó, tầm 50-60 triệu/tháng. Đó là mức thu nhập cao.
Nhưng về sau, khi vợ mình sinh cậu con trai bây giờ, mình cảm thấy đã đi quá nhiều. Mỗi lần đi mình rất nhớ con và chỉ muốn về nhà thật sớm thôi. Một phần nữa là mình xao nhãng việc thi đấu. Ngoài ra, Chonburi cũng thay đổi đội hình thi đấu. Họ có những con người mới, những game thủ mới thì lúc đó mình cảm thấy không còn hợp với đội bóng này nữa và cần phải đi.
Mình nghỉ rất sớm. Sau khi mùa 3 mới trải qua 3 vòng thôi là mình xin nghỉ để nhường chỗ cho một người khác có năng lượng và nhiệt huyết hơn mình. Đó là một quyết định rất đúng.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò truyện này.
Theo Thethao.vn